Các ấn phẩm gây tranh cãi PLOS One

Bị cáo buộc phân biệt giới tính trong bình duyệt ngang hàng

Ngày 29 tháng 4 năm 2015, Fiona Ingleby và Megan Head, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ (postdoc) tại Đại học SussexĐại học Quốc gia Úc, đã đăng một lá thư từ chối bản thảo nhận được từ một người bình duyệt cho một tạp chí mà họ không muốn nêu tên. Nội dung lá thư từ chối bản thảo bài báo của Ingleby và Head quan ngại về sự khác biệt trong quá trình chuyển đổi từ tiến sĩ sang postdoc giữa các nhà khoa học nam và nữ. Người bình duyệt lập luận rằng các tác giả nên "tìm một hoặc hai nhà sinh vật học nam để làm việc cùng" để đảm bảo bản thảo không bị trôi vào "các giả định thiên lệch về mặt tư tưởng", các nhận xét mà các tác giả cho là "không chuyên nghiệp và không phù hợp" và có tính chất phân biệt giới tính. Ngay sau đó, tạp chí được xác nhận là tạp chí PLOS One. Đến ngày 1 tháng 5, PLOS thông báo rằng họ đã cắt đứt quan hệ với người bình duyệt chịu trách nhiệm về các bình luận phân biệt giới tính trên và yêu cầu người biên tập phụ trách bản thảo từ chức. PLOS One cũng đã đưa ra một tuyên bố xin lỗi sau vụ việc.[29]

CreatorGate

Ngày 3 tháng 3 năm 2016, các biên tập viên của PLOS One đã bắt đầu đánh giá lại một bài báo về hoạt động của bàn tay con người[30] do độc giả của tạp chí phẫn nộ vì nội dung liên quan đến "Đấng sáng tạo" trong bài báo.[31] Các tác giả, những người đã nhận được tài trợ từ Chương trình Nghiên cứu Cơ bản Quốc gia Trung QuốcQuỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc cho công trình này, đã phản hồi rằng từ "Creator" đề cập trong bài chỉ là lỗi dịch thuật kém từ thành ngữ trong tiếng Trung 造化 (者) (âm Hán Việt: tạo hóa (giả)) có nghĩa đen là "(cái mà) tạo ra hoặc biến đổi" có thể hiểu là "tự nhiên" trong ngôn ngữ Trung Quốc.[32] Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối của các tác giả, bài báo vẫn bị rút lại.[33] Một phân tích ít thiện cảm hơn về việc sử dụng từ "Creator" đã được đăng trên Biên niên sử Giáo dục Đại học (The Chronicle of Higher Education) bởi các chuyên gia tiếng Trung đã lưu ý rằng biên tập viên được liệt kê trên bài báo, Renzhi Han, trước đây đã từng làm việc tại Nhà thờ Tin lành Trung Quốc ở thành phố Iowa.[34]

Vụ việc được đẩy lên cao khi Sarah Kaplan của tờ The Washington Post đã trình bày một phân tích chi tiết về vấn đề mà cô đặt tên là #CreatorGate, và kết luận rằng việc rút lại vội vàng của tờ báo có thể là một hành vi phạm tội thậm chí còn lớn hơn việc xuất bản bài báo ngay từ đầu.[35] So sánh tương phản với cách xử lý vấn đề của PLOS One, cô đã chỉ ra cách xử lý trong lịch sử 12 năm rút lại bài báo gian lận về vắc-xin và chứng tự kỷ của The Lancet hay việc không rút lại một nghiên cứu đã được tiết lộ về "sự sống của thạch tín" đăng trên Science trước đó.[36][37] Một ví dụ khác cho cách xử lý của các tạp chí trong trường hợp tương tự là của bài báo trên Nature về "bộ nhớ nước" cũng không bị rút lại.[38]

Bài báo về chứng rối loạn giới tính khởi phát nhanh

Lisa Littman, một bác sĩ và nhà nghiên cứu người Mỹ của Trường Đại học Y tế Công cộng Brown, đã đặt ra thuật ngữ "chứng rối loạn giới tính khởi phát nhanh" (rapid-onset gender dysphoria, viết tắt ROGD) khi bắt đầu một nghiên cứu mô tả ban đầu có tiêu đề "Chứng phiền muộn giới tính bắt đầu nhanh chóng ở thiếu niên và thanh niên: Một nghiên cứu về báo cáo của cha mẹ".[39] Littman đã trình bày kết quả sơ bộ tại một hội nghị năm 2017 và nghiên cứu mô tả ban đầu được xuất bản trên PLOS One vào tháng 8 năm 2018.[40][41] Nghiên cứu đã bị chỉ trích bởi các nhà hoạt động chuyển giới như Julia Serano và các chuyên gia y tế như nhà tâm lý học phát triển và lâm sàng Diane Ehrensaft, vì bị chính trị hóa và có các mẫu tự chọn, cũng như thiếu dữ liệu lâm sàng hoặc phản hồi từ chính thanh thiếu niên.[42][43]

Ngày 27 tháng 8 năm 2018, các biên tập viên của PLOS One đã bắt đầu đánh giá lại một bài báo được xuất bản hai tuần trước đó bởi Lisa Littman.[44] Nghiên cứu mô tả một hiện tượng lây lan xã hội, hoặc "bùng phát cụm" trong chứng phiền muộn giới ở những người trẻ tuổi, mà Littman gọi là "chứng rối loạn giới tính khởi phát nhanh".[39] Dữ liệu nghiên cứu được được thu thập từ một cuộc khảo sát được thực hiện trên ba trang web dành cho các bậc cha mẹ có liên quan có con mắc chứng phiền muộn giới, yêu cầu phản hồi từ các bậc cha mẹ có con đã trải qua "sự phát triển đột ngột hoặc nhanh chóng của chứng phiền muộn giới tính bắt đầu từ 10 đến 21 tuổi".[45]

Đến ngày 19 tháng 3 năm 2019, PLOS One mới hoàn tất quá trình đánh giá. Người phản biện Angelo Brandelli Costa đã chỉ trích các phương pháp và kết luận của nghiên cứu bằng một bình luận chính thức, nói rằng, "Mức độ bằng chứng do nghiên cứu của Tiến sĩ Littman đưa ra không thể tạo ra một tiêu chí chẩn đoán mới so với thời điểm thể hiện các nhu cầu về xác nhận giới tính xã hội và y tế."[46] Trong một lá thư riêng xin lỗi về sự thất bại của việc bình duyệt đồng cấp trong giải quyết các vấn đề với bài báo, Tổng biên tập PLOS One Joerg Heber cho biết," chúng tôi đã đi đến kết luận rằng nghiên cứu và dữ liệu kết quả đã báo cáo trong bài báo thể hiện một đóng góp hợp lệ cho tài liệu khoa học. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xác định rằng nghiên cứu, bao gồm mục tiêu, phương pháp luận và kết luận của nó, không được đóng khung đầy đủ trong phiên bản đã xuất bản và những điều này cần được sửa chữa."[47]

Bài báo sau đó đã được tái bản với các phần Tiêu đề, Tóm tắt, Giới thiệu, Phương pháp luận, Thảo luận và Kết luận được cập nhật mới, nhưng phần Kết quả hầu như không thay đổi. Khi đính chính, Littman nhấn mạnh rằng bài báo là "một nghiên cứu về các quan sát của cha mẹ nhằm phát triển các giả thuyết", nói rằng "Rối loạn giới tính khởi phát nhanh (ROGD) không phải là chẩn đoán sức khỏe tâm thần chính thức vào thời điểm này. Báo cáo này không thu thập dữ liệu từ thiếu niên và thanh niên (AYA) hoặc bác sĩ lâm sàng và do đó không xác nhận hiện tượng. Nghiên cứu bổ sung bao gồm AYA, cùng với sự đồng thuận của các chuyên gia trong lĩnh vực này, sẽ cần thiết để xác định xem liệu những gì được mô tả ở đây là chứng phiền muộn giới khởi phát nhanh (ROGD) có trở thành một chẩn đoán chính thức hay không."[48]